Tin tức

‘Vua tôm’ cũng kêu trời vì giá cước container tăng vọt từ 1.500 lên 10.000 đô la

Thứ tư, 13/01/2021, 10:19
‘Vua tôm’ cũng kêu trời vì giá cước container tăng vọt từ 1.500 lên 10.000 đô la
 
 

(TBKTSG Online) – Giá cước vận chuyển hàng hóa đã nhảy vọt từ 1.500 đô la Mỹ lên mức 10.000 đô la Mỹ mỗi container loại 40 feet do thiếu... container rỗng. Điều này đã tạo ra rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu, đến cả “vua tôm” Minh Phú cũng phải kêu trời.

Lô tôm của Công ty cổ phần Tập đoàn thuỷ sản Minh Phú được xuất khẩu vào hôm nay, 5-1. Ảnh: Trung Chánh

Tại buổi lễ xuất khẩu lô tôm đầu tiên trong năm 2021 diễn ra vào hôm nay, 5-1, ở tỉnh Hậu Giang, ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhấn mạnh, tuy gặp nhiều khó khăn, nhất là tình hình dịch bệnh Covid-19, nhưng ngành thủy sản nói chung và ngành tôm Việt Nam nói riêng vẫn có bước phát triển khá tốt. 

Dẫn trường hợp của Công ty cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, ông Tiến cho biết, năm 2020, đơn vị này cũng đã vượt qua nhiều khó khăn để tổ chức sản xuất với tổng sản lượng tôm chế biến xuất khẩu đạt 55.000 tấn, mang về kim ngạch xuất khẩu khoảng 580 triệu đô la Mỹ (cả ngành tôm năm 2020 đạt khoảng 4 tỉ đô la Mỹ-PV), giải quyết trên 5.000 lao động.

Theo đó, riêng Công ty cổ phần thuỷ sản Minh Phú Hậu Giang, sản lượng tôm chế biến là 22.400 tấn, với kim ngạch xuất khẩu đạt 240 triệu đô la Mỹ, trong đó, có các sản phẩm chủ lực như: tôm đông lạnh giá trị gia tăng, chất lượng cao, xuất đi các thị trường gồm, Mỹ, Châu Âu, Nhật, Hàn Quốc, Úc, Canada…

Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn thuỷ sản Minh Phú cho rằng, trong năm 2020, lẽ ra đơn vị này có thể xuất khẩu được nhiều hơn, nhưng do tình trạng thiếu container rỗng, không có tàu, cho nên, đã có một khối lượng sản phẩm nhất định vẫn phải nằm trong kho. “Đúng ra năm nay Minh Phú có thể xuất khẩu được nhiều hơn, nhưng do không có tàu, không có container nên hàng không xuất khẩu được, đang nằm trong kho”, ông Quang cho biết.

Theo ông Quang, giá cước container loại 20 feet từ Việt Nam đi thị trường châu Âu đã tăng từ mức 1.200-1.500 đô la Mỹ/container của tháng 6-2020 lên 7.000-8.000 đô la Mỹ/container hiện nay. Mức tăng tương ứng đối với container loại 40 feet là từ 1.500-1.800 đô la Mỹ/container lên 8.000-10.000 đô la Mỹ/container.

Trước tình trạng như nêu trên, thông qua Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ông Quang kiến nghị Chính phủ cần nhanh chóng can thiệp và có biện pháp hỗ trợ, tác động để giảm giá cước. “Đồng thời, có thể bổ sung thêm hãng tàu, nếu các tàu hiện vẫn cứ tiếp tục giữ mức giá như hiện tại”’, ông cho biết và nói rằng, việc giá cước tàu biển tăng đã tạo ra rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu tôm nói riêng và doanh nghiệp các ngành hàng khác nói chung.

Liên quan việc này, ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho rằng, các đơn vị liên quan sẽ có tham mưu với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (ông Nguyễn Xuân Cường- PV) để có ý kiến với Bộ Công Thương nhằm tìm hướng giải quyết tình trạng thiếu container rỗng cũng như giá cước tàu tăng cao như thời gian gần đây.

Ngoài kiến nghị giải quyết tình trạng giá cước tàu biển tăng cao, ông Quang của Minh Phú cho rằng, ngành tôm hiện đang thiếu hụt nguyên liệu khá gay gắt, mà cụ thể chỉ đáp ứng khoảng 30-50% nhu cầu chế biến của các nhà máy. “Để chấm dứt tình trạng này, tôi kiến nghị với Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nên có quy hoạch các vùng nuôi tôm công nghệ cao lớn, tập trung và có đầu tư cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh”, ông cho biết.

Song song đó, theo ông Quang, Chính phủ nên khởi động lại chính sách bảo hiểm nuôi tôm đã ban hành cũng như có chính sách cho các hộ nuôi tôm vay tiền để chuyển sang nuôi tôm công nghệ cao bằng cơ chế “thế chấp tài sản hình thành từ vốn vay nuôi tôm công nghệ cao”.

Theo ông Quang, Chính phủ đã đề ra mục tiêu cho ngành tôm đạt 10 tỉ đô la Mỹ vào năm 2025, thì các nhà máy hiện hữu khi hoạt động hết công suất hoàn toàn có thể đáp ứng, không cần xây mới thêm. “Nhưng, cần phải giải quyết tình trạng thiếu hụt nguyên liệu, bởi việc thiếu hụt này làm giá thành tăng cao, sản phẩm rất khó cạnh tranh tranh”, ông cho biết và dẫn chứng thêm rằng: “Ví dụ, tôi xây dựng nhà máy ở Hậu Giang này với kế hoạch sử dụng 10.000 công nhân, nhưng hiện chỉ hoạt động 50% công suất, tức đang bị lãng phí rất lớn, trong khi bộ máy quản lý vẫn phải trả lương như 10.000 công nhân nên giá thành tăng rất cao”.

Ông Trương Đình Hoè, Tổng thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) đưa ra dự báo, trong năm 2021, kim ngạch xuất khẩu của ngành tôm Việt Nam có khả năng đạt 4,4 tỉ đô la Mỹ, tăng khoảng 15% so với kết quả đã đạt được của năm ngoái.

Nguồn: thesaigontimes.vn 

Cảm nhận khách hàng