Tin tức

Giá tôm giảm, ngành thủy sản Sóc Trăng kêu gọi nông dân liên kết

Thứ ba, 10/08/2021, 15:17

Giá tôm giảm, ngành thủy sản Sóc Trăng kêu gọi nông dân liên kết

 

Lãnh đạo Chi cục Thủy sản tỉnh Sóc Trăng cho rằng giá tôm bấp bênh là do nông dân nuôi nhỏ lẻ, ít chịu liên kết theo chuỗi sản xuất, gắn kết với nhà máy để tiêu thụ sản phẩm.

Ngày 7/8, Công ty TNHH Khánh Sủng ở huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) tổ chức thu hoạch tôm thẻ nuôi theo mô hình ao bạt khép kín tại huyện Trần Đề. Một ao tôm kéo lưới được trên 10 tấn sau 110 ngày thả giống, kích cỡ đạt 25 con/kg.

Nói với Zing, ông Trần Văn Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Khánh Sủng, cho biết hệ thống nuôi tôm công nghiệp của đơn vị áp dụng mô hình “3 tại chỗ”, nên công nhân chỉ được về thăm gia đình khi kết thúc vụ nuôi. Nhờ lực lượng “3 tại chỗ” này, doanh nghiệp chủ động thu hoạch tôm để kịp cung ứng nguyên liệu cho nhà máy sản xuất tôm đông lạnh xuất khẩu.

Theo ông Trần Văn Tuấn, trước khi xảy ra dịch Covid-19, tôm thẻ loại 25 con/kg giá thị trường trên 160.000 đồng/kg. Hiện, tôm loại này chỉ còn trên 150.000 đồng/kg, giảm 10.000 đồng/kg.

 

Giá tôm giảm 10.000 đồng/kg

Một ngày trước, nông dân Trịnh Văn Hiếu (ngụ xã Vĩnh Hiệp, thị xã Vĩnh Châu, Sóc Trăng), thu hoạch ao tôm thẻ kích cỡ 70 con/kg. Một thương nhân địa phương mua tôm của ông Hiếu với giá 85.000 đồng/kg.

Ông Hiếu cho biết ao tôm công nghiệp này nếu nuôi thêm 30 ngày nữa sẽ đạt kích cỡ khoảng 30 con/kg. Lý do nông dân này thu hoạch sớm đàn tôm thẻ gần 150.000 con trong dịch Covid-19 là nước bị “sụp tảo”, tôm lột vỏ chìm xuống đáy ao chết dần.

Nông dân 43 tuổi này nói rằng nghề nuôi tôm đang gặp khó khăn. Ông gặp khó không chỉ trong việc mua thức ăn và các loại thuốc thú y thủy sản do ảnh hưởng dịch Covid-19 mà còn khó bán sản phẩm.

Gia tom giam manh o mien Tay anh 1

Nông dân thu hoạch tôm ở Sóc Trăng trước thời điểm dịch bệnh bùng phát. Ảnh: Minh Chí.

Do nhiều tỉnh phía Nam giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, lực lượng thu mua tôm không thể đưa công nhân từ xã này sang xã khác để giúp nông dân. Đây là nguyên nhân nông dân bị người mua tôm ép giá, hoặc giá thấp vì chi phí vận chuyển tăng cao.

“Tôm loại 70 con/kg cùng kỳ năm trước tôi bán với giá trên 100.000 đồng/kg, nhưng hôm nay chỉ được 85.000 đồng. Nếu đòi giá cao hơn thì thương nhân không mua, mình còn thiệt hại nhiều hơn vì tôm đang rớt đáy", ông Hiếu kể.

"Hôm qua tôi hỏi giá ở xã khác, thương nhân báo giá loại 70 con là 94.000 đồng, nhưng họ không qua xã của tôi mua tôm vì giãn cách xã hội, chốt không cho qua”, người đàn ông da sạm đen vì một nắng hai sương chia sẻ.

Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần thực phẩm Sao Ta (Fimex VN), cho biết giá tôm giảm trên 10.000 đồng/kg. Nguyên nhân giá tôm giảm là doanh nghiệp gặp khó khăn trong vận chuyển, chế biến, công nhân chỉ còn 30-40% so với bình thường.

“Chi phí cho công nhân làm việc ‘3 tại chỗ’ cao. Người lao động cũng khó chịu đựng hoàn cảnh ‘3 tại chỗ’ kéo dài, nên hết 4 tuần ‘3 tại chỗ’, số lao động này sẽ nghỉ bù”, ông Lực giải thích.

 

Tiêm vaccine cho đội thu mua tôm

Giám đốc Công ty TNHH Khánh Sủng cho biết việc sản xuất kinh doanh 6 tháng đầu năm 2021 khá tốt. Tuy nhiên, từ đầu tháng 7 đến nay doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do số lượng công nhân giảm nhiều, đến hơn một nửa vì họ không thực hiện được “3 tại chỗ”.

“Lúc đầu tính giãn cách 14 ngày nên công nhân về quê, bây giờ quay lên nhưng chốt kểm soát Covid-19 không cho qua. Công nhân muốn đi làm thì phải xét nghiệm, mà chốt không cho đi thì làm sao xét nghiệm. Nhiều người ở nhà lâu quá người ta không có tiền, còn doanh nghiệp thì đơn hàng bị ảnh hưởng”, ông Tuấn nói.

Từ những khó khăn phát sinh trong dịch bệnh, lãnh đạo doanh nghiệp thủy sản đề xuất chính quyền địa phương cấp giấy tờ cho nhóm thu hoạch tôm được đi liên xã. Nhóm này nên được xem xét tiêm ngừa vaccine Covid-19 sớm để đi thu mua tôm vì mặt hàng này cần phải thu hoạch nhanh nếu tôm có triệu chứng bất thường dưới ao.

Gia tom giam manh o mien Tay anh 2

Chi cục Thủy sản Sóc Trăng cho rằng nông dân nuôi tôm cần gắn kết với nhà máy để tiêu thụ sản phẩm. Ảnh: Xuân Trường.

“Sóc Trăng mạnh nhất là thủy sản, nên công nhân cần được tạo điều kiện đi lại để họ có thu nhập. Tôm thu mua không được thì tội nghiệp nông dân nhưng doanh nghiệp phải giảm mua 50% vì ít công nhân, đâu dám mua nhiều”, ông chủ của doanh nghiệp có trên 1.000 công nhân chia sẻ.

Bà Quách Thị Thanh Bình, Phó chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Sóc Trăng, cho biết dịch Covid-19 đã cho thấy những khó khăn của nông dân. Đó là sản xuất nhỏ lẻ, manh mún nên gặp trường hợp vùng phong tỏa do dịch bệnh sẽ khó thu hoạch.

“Bà con không chuẩn bị được đội thu hoạch. Tình trạng này cho thấy vì sao ngành nông nghiệp liên tục vận động nông dân liên kết lại, thành lập tổ sản xuất”, bà Bình nhận định.

Theo lãnh đạo Chi cục Thủy sản tỉnh Sóc Trăng, tỉnh thả nuôi 37.893 ha tôm, đạt 74% kế hoạch. Nông dân và các doanh nghiệp đã thu hoạch 12.777 ha, sản lượng 70.150 tấn. Diện tích tôm đang phát triển trên đồng khoảng 23.454 ha.

Toàn tỉnh Sóc Trăng có 22 nhà máy chế biến thủy sản, đủ năng lực tiêu thụ tôm sản xuất ra. Tuy nhiên, do nông dân nuôi tôm nhỏ lẻ và manh mún, nhiều nơi bán sản phẩm phải qua trung gian cò khiến giá không ổn định.

Vì vậy, 5 năm qua ngành thủy sản địa phương vận động nông dân liên kết chuỗi, gắn kết với nhau để có kế hoạch sản xuất, cùng thả giống, cùng áp dụng một quy trình, vừa sản xuất vừa bảo vệ môi trường, tôm chất lượng, an toàn thực phẩm. Khi đó, sản phẩm đầu ra của chuỗi sản xuất nhiều, ngành chức năng kết nối với các nhà máy chế biến để tiêu thụ tôm cho nông dân.

“Các tổ thu mua thì bên tôi đề nghị các địa phương thành lập từ các đội tự phát trước đây và đăng ký với UBND xã. Từ đó, xã biết hoạt động, lịch trình di chuyển của đội để tạo điều kiện tốt cho thu hoạch. Chúng tôi đang trình UBND tỉnh kế hoạch tiêm vaccine cho đội thu mua thủy sản”, bà Bình nói.

Nguồn: zingnews.vn

Cảm nhận khách hàng