Tin tức

Ngành tôm cần “an dân bền chuỗi”

Thứ năm, 02/09/2021, 09:42

Ngành tôm cần “an dân bền chuỗi

Sáng ngày 1/9/2021, Tổng cục thủy sản và các bên liên quan đã chủ trì hội nghị trực tuyến “Giải pháp tháo gỡ khó khăn ngành tôm trong tình hình dịch bệnh Covid-19” với sự tham dự của lãnh đạo ngành nông nghiệp các tỉnh phía Nam, các doanh nghiệp chế biến tôm, các doanh nghiệp sản xuất cung ứng con giống, các doanh nghiệp sản xuất thức ăn, các hợp tác xã sản xuất, người nuôi tôm và nhiều đại biểu hoạt động trong chuỗi cung ứng tôm nói chung. Buổi hội nghị trực tuyến này là rất kịp thời trong bối cảnh giá tôm đang giảm thấp, khó bán làm cho người nuôi tôm lo lắng, bất an rất nhiều, nguy cơ người nuôi treo ao dẫn đến dứt gãy chuỗi hiển hiện trước mắt.

Giá tôm nguyên liệu giảm mạnh làm người nuôi bất an

Sau khi thành phố Hồ Chí Minh áp dụng giãn cách xã hội tăng cường “nhà cách ly nhà, ai ở đâu ở yên đó” từ ngày 23/8 đến 6/9, quân đội được huy động tham gia vào kiểm soát dịch, phân phối thực phẩm và các mặt hàng thiết yếu cho người dân. Tiếp theo đó, vào ngày 23/8 và 24/8, hai tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau tái phong tỏa theo chỉ thị 16 sau khi phát hiện ca nhiễm mới trong cộng đồng. Với những diễn biến này, cộng với tình hình dịch bệnh Covid ở các tỉnh thành phía Nam khác đang rất phức tạp, các biện pháp kiểm soát dịch đã làm đình trệ việc đi lại thu mua vận chuyển tôm, các nhà máy chế biến tạm dừng thu mua tôm nguyên liệu hay hoạt động cầm chừng theo phương án “3TC, một cung đường – hai điểm đến” dẫn đến giá tôm sụt giảm mạnh trở lại.

Nông dân thu hoạch tôm ở Sóc Trăng trước thời điểm dịch bệnh bùng phát. Ảnh: Minh Chí.

Theo ông Lê Văn Quang - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn thuỷ sản Minh Phú, người được mệnh danh là “vua tôm” cho biết “Tôm nguyên liệu cỡ lớn hiện có giá thấp hơn trước giãn cách xã hội 10.000 đồng/kg, trong khi giá tôm cỡ nhỏ từ 60 con/kg trở xuống thấp hơn 25.000-35.000 đồng/kg”.

Theo ghi nhận của SEABINA GROUP, những ngày qua giá tôm nguyên liệu ở Cà Mau, Bạc Liêu giảm mạnh làm người nuôi rất hoang mang, đặc biệt là sau khi hai tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau tái phong tỏa. Cụ thể, giá tôm nguyên liệu theo các đại lý công bố hàng ngày cho cỡ tôm 100 con/kg chỉ còn 60.000 – 65.000 đồng/kg, thậm chí một số đại lý thu mua ở mức 55.000 – 60.000 đồng/kg, với mức giá này người nuôi tôm thua lỗ nặng, tuy nhiên; việc gọi thương lái thu mua tôm không hề dễ do các biện pháp hạn chế đi lại. Người nuôi tôm cũng gặp khó khăn trong việc mua thức ăn cho tôm, cũng như thuốc men chế phẩm để duy trì ao nuôi hàng ngày. Với những khó khăn này, người nuôi tôm thấp thỏm đứng ngồi không yên vì đa phần vốn liếng đã đổ vào nuôi tôm, hiện tại người nuôi tôm không tha thiết lắm với việc thả nuôi vụ mới vì giá cả quá thấp, giá thức ăn con giống tăng cao và tình hình dịch bệnh Covid hiện tại làm cho người nuôi sợ tiếp tục bị thua lỗ.

Theo ông Châu Công Bằng, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau, cho biết lượng tôm giống thả nuôi của Cà Mau giảm rất nhiều, hiện chỉ bằng 30-40% so với cùng kỳ, thậm chí nhiều khu vực không dám thả nuôi tiếp.

Liên hoàn chuỗi tôm gặp khó

Nhiều đại biểu là công ty sản xuất tôm giống, nhà máy sản xuất thức ăn hay nhà máy chế biến tham gia hội nghị than thở “với các biện pháp chống dịch hiện tại, hoạt động sản xuất cung ứng của họ đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, thậm chí có thể đứt gãy nếu không có các giải pháp tháo gỡ kịp thời”.

Dây chuyền chế biến tôm của công ty cổ phần thủy sản Thông Thuận. Ảnh: SEABINA GROUP

Theo ông Quang chia sẽ, công ty cổ phần thủy sản Minh Phú có hai nhà máy chế biến, nhà máy Cà Mau với 7000 công nhân nhưng hiện nay chỉ còn 1600, nhà máy Hậu Giang với 6000 công nhân nhưng hiện còn 1300. “Điều này có nghĩa, tình hình sản xuất của nhà máy chỉ đạt khoảng 25%, nhưng sản lượng chế biến vẫn đạt 50%”, ông Quang nói.

Ông Châu Công Bằng chia sẽ, địa phương đã thực hiện giãn cách xã hội hơn hai tháng nay nên ảnh hưởng rất lớn trong các hoạt động vận chuyển của chuỗi ngành tôm (mua bán, cung cấp con giống, thức ăn…). “Thậm chí, có những thời điểm cấm cả hoạt động thu mua, sơ chế tôm do không thực hiện “3 tại chỗ” và cấm luôn hoạt động của các hộ sản xuất kinh doanh”, ông dẫn chứng.

Theo ông Phương, giám đốc một công ty sản xuất tôm giống ở Bạc Liêu chia sẽ, mặc dù tỉnh đã ban hành các văn bản chỉ đạo tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp, tuy nhiên; việc xin giấy phép đi lại, vận chuyển tôm giống không hề dễ dẫn đến các cơ sở sản xuất tôm giống tại địa bàn Bạc Liêu phải xả bỏ 90% lượng con giống đã sản xuất.

Cũng với việc khó khăn trong khâu vận chuyển, đại diện hiệp hội tôm giống Ninh Thuận ông Lê Văn Khuê nêu ra, việc vận chuyển tôm giống từ Ninh Thuận vào các tỉnh miền Tây đi qua các chốt liên tỉnh, liên huyện, liên xã gặp nhiều khó khăn, đội ngũ tài xế sau khi vận chuyển tôm giống về phải cách ly tập trung nên thiếu hụt tài xế quay vòng vận chuyển tiếp.

Mặc dù không có đại diện nhà máy sản xuất thức ăn nào phát biểu trong hội nghị, tuy nhiên; thông qua các kênh báo chí phản ảnh trong thời gian gần đây, các nhà máy sản xuất thức ăn cũng đang gặp trở ngại trong việc vận chuyển thức ăn đến các vùng nuôi trọng điểm ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ.

Tháo gỡ khó khăn để người nuôi an tâm thả giống

Có thể thấy rằng, người nuôi tôm là một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng tôm, họ vừa là đầu vào vừa là đầu ra. Tuy vậy, người nuôi tôm là đối tượng dễ tổn thương và có tiếng nói yếu nhất trong chuỗi, việc có các giải pháp cấp thiết tháo gỡ khó khăn cho người nuôi là sống còn để duy trì chuỗi cung ứng tôm không bị gãy đổ.

Hình ảnh banner hội nghị trực tuyến. Ảnh: ICAFIS

Ông Võ Quan Huy, Chủ tịch Hiệp hội tôm Mỹ Thanh (Sóc Trăng) cho rằng tâm lý của người nuôi hiện không muốn thả giống. Bởi, bị thiệt hại nặng nề trong vụ tôm đang diễn ra, trong khi vụ tôm sắp tới không rõ tình hình tiêu thụ ra sao.

Trình bày trước hội nghị, ông Nguyễn Văn Hữu - Tổng cục Thuỷ sản nêu ra một số giải pháp trọng tâm như sau:

  1. Quy trình nuôi phù hợp, hiệu quả trong bối cảnh ảnh hưởng của covid-19.
  2. Người nuôi cần tham gia trong chuỗi liên kết để vượt qua khó khăn.
  3. Đẩy mạnh tổ chức thu mua tôm cho người nuôi đến giai đoạn thu hoạch. Đồng thời kêu gọi các thương lái, nhà máy chế biến thủy sản chung tay ủng hộ, tiếp tục thu mua sản phẩm thủy sản cho người dân trong giai đoạn hiện nay, không được nhân cơ hội ép giá gây thiệt hại cho người nuôi.
  4. Huy động các kho dịch vụ để chứa tôm nguyên liệu; Ngân hàng, các tổ chức tài chính... tham gia hỗ trợ cùng nhà máy chế biến thu mua tôm nguyên liệu cho người nuôi.
  5. Tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho thu tôm, thu mua, vận chuyển, cung ứng vật tư đầu vào… để tiếp tục tái sản xuất.
  6. Hỗ trợ người nuôi, không được nhân cơ hội này để nâng giá vật tư sản xuất.
  7. Ưu tiên tiêm vacxin phòng covid-19 cho lực lượng lao động tham gia vào chuỗi sản xuất, cung ứng.
  8. Tăng cường các biện pháp tuyên tuyền, tiếp tục duy trì sản xuất nuôi tôm nước lợ tránh xẩy ra tình trạng thiếu tôm nguyên liệu phục vụ chế biến, xuất khẩu vào các tháng cuối năm 2021 và năm 2022.

Bên cạnh đó, các đại biểu tham dự hội nghị cũng đề xuất một số giải pháp như sau:

Theo ông Quang, thị trường đang có nhu cầu đối với tôm cỡ lớn, nên phân khúc này tiêu thụ rất dễ dàng. “Chế biến tôm cỡ lớn cũng là điều kiện để doanh nghiệp tăng công suất trong điều kiện thiếu công nhân do giãn cách”, ông nhận xét. Theo ông, nông dân nên nuôi tôm lớn bằng việc thả nuôi mật độ thưa, khoảng 100-120 con/m2 hoặc cao nhất là 150 con/m2, thay vì nuôi mật độ 250-300 con/m2 như trước. Ngoài ra, ông đề xuất chính phủ cần có biện pháp giản cách xã hội phù hợp để lưu thông hàng hóa cũng như duy trì hoạt động sản xuất chế biến cho các nhà máy thủy sản.

Ông Tạ Hoàng Nhiệm, Chủ tịch Hiệp hội tôm Bạc Liêu, đề xuất các giải pháp như sau:

  1. Thành lập đội phản ứng nhanh của xã, đội này sẽ phối hợp với thương lái để bắt tôm cho dân một cách nhanh nhất
  2. Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp chế biến thủy sản hoạt động trở lại bằng hình thức giản cách xã hội phù hợp
  3. Hỗ trợ tín dụng cho ngành tôm

Bà Quách Thị Thanh Bình, Phó chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Sóc Trăng, kiến nghị một số giải pháp như sau:

  1. Có giải pháp hữu hiệu để quản lý giá thức ăn nuôi tôm
  2. Hổ trợ tiền điện cho người nuôi tôm, cụ thể giảm 10 – 30% trong vòng một năm từ tháng 7/2021 đến tháng 6/2022
  3. Ngân hàng, quỹ tín dụng có các chương trình hổ trợ lãi suất vay 0 đồng cho nhà máy chế biến, nhà cung ứng vật tư đầu vào để các doanh nghiệp này hổ trợ người nuôi tôm.

Một số đại biểu khác đề xuất áp dụng công nghệ vào việc cấp phép giấy đi đường, giám sát hành trình vận chuyển hàng hóa bằng ứng dụng định vị, tạo thông thoáng cho việc vận chuyển con giống, thức ăn và vật tư, thay đổi cách thức tổ chức đội thu kéo tôm, đồng bộ các biện pháp chống dịch của các tỉnh thành để hàng hóa không bị ách tắc…

Ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục thủy sản, đã ghi nhận những ý kiến cũng như đề xuất của các đại biểu. Tổng cục thủy sản sẽ tổng hợp lại và tham mưu cho bộ trưởng bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn để đệ trình lên thủ tướng chính phủ trong thời gian sớm nhất nhằm tháo gỡ nhưng khó khăn vướng mắc cho chuỗi cung ứng ngành tôm. Hy vọng, với các giải pháp tháo gỡ kịp thời, trong những ngày sắp tới giá tôm sẽ tăng trở lại, bà con nuôi tôm thuận lợi trong việc mua bán từ đó tạo tâm lý phấn khởi, an tâm đầu tư nuôi vụ mới.

SEABINA GROUP

Cảm nhận khách hàng